Trước đây, do công nghệ còn hạn chế nên hầu hết các sản phẩm công nghệ cao, đặc biệt là các sản phẩm như laptop, điện thoại... đều rất mong manh, dễ hỏng. Đương nhiên, việc giá của các loại sản phẩm này rất đắt tiền khiến cho người dùng luôn cực kỳ cẩn thận và nhẹ nhàng khi sử dụng chúng.
Ngày nay, với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ cũng như kỹ thuật sản xuất, các sản phẩm điện tử đều có độ bền cao hơn nhiều. Không có chuyện người dùng điện thoại hay laptop phải "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa" nữa. Tất nhiên, với những va đập mạnh thì các sản phẩm này cũng không tránh khỏi cảnh "ra bãi rác".
Hiểu được nhu cầu của một bộ phận người dùng, một số hãng sản xuất đã cho ra những sản phẩm "siêu bền". Các sản phẩm này có đặc điểm chung là độ bền cực cao, hầu như không suy chuyển cho dù chịu những lực tác động mạnh thậm chí là bị ném, bị quăng quật chúng vẫn không hề gì. Tất nhiên, nhiều người tỏ ra thích thú với những sản phẩm này nhưng xét cho cùng, việc mua đồ siêu bền không phải là lựa chọn lý tưởng cho đa phần người dùng.
Giá cả quá cao
Yếu tố đầu tiên khi xét đến việc mua bất cứ sản phẩm nào đặc biệt là đồ công nghệ luôn là giá cả. Tất nhiên, với những người có quá nhiều tiền thì đây không phải là điều làm họ băn khoăn. Nhưng với đa phần người dùng thì giá cả là yếu tố cực kỳ quan trọng và đôi khi mang tính quyết định tới việc họ có chọn mua hay không.
Điều đáng buồn là hầu hết các sản phẩm siêu bền đều có giá cả trên trời. Một chiếc điện thoại hay laptop "siêu bền" thường có giá gấp vài lần hoặc thậm chí cả chục lần so với một sản phẩm tương tự về cấu hình, tính năng. Điều này là dễ hiểu khi mà chi phí dành cho thiết kế thân máy và các linh kiện để tạo nên danh hiệu "siêu bền" là rất đắt. Hơn nữa, các sản phẩm này thường bán được với số lượng không lớn nên các chi phí như: nghiên cứu, thiết kế,... bị chia ra trên mỗi đầu sản phẩm cũng không hề nhỏ.
Việc chi hàng chục thậm chí đôi khi là cả trăm triệu đồng (đối với những dòng cao cấp) cho một sản phẩm siêu bền là điều mà không nhiều người (đặc biệt) là ở Việt Nam có khả năng.
Cấu hình thấp, ít lựa chọn, khó mua
Rõ ràng, đa số các sản phẩm siêu bền đều không có cấu hình cao so với mức giá trên trời của chúng. Lấy ví dụ như chiếc laptop Panasonic Toughbook 31 siêu bền chẳng hạn, cấu hình của nó cực kỳ bình thường (chip i3/i5, card màn hình tầm trung) nhưng có giá tới 72 triệu đồng. Nếu như mua các máy có cấu hình tương tự, bạn chỉ tiêu tốn khoảng 15 triệu đồng (khoảng 1/5 giá chiếc máy tính siêu bền). Còn với điện thoại, 90% các mẫu điện thoại siêu bền chỉ có các tính năng cơ bản (nhiều lắm thì thêm nghe nhạc) nhưng lại có giá vài chục triệu đồng (các mẫu tương tự có giá dưới 2 triệu đồng).
Đương nhiên, lượng người sử dụng các thiết bị này rất hạn chế nên các hãng sản xuất cũng không tung ra nhiều mẫu và kiểu dáng. Bạn sẽ không có nhiều lựa chọn. Thêm vào đó, các hãng phân phối không phải ai cũng hứng thú với các sản phẩm kiểu này nên chỉ có vài nơi bán. Vì vậy cho nên không phải lúc nào bạn cũng có thể mua được đồ mình muốn. Hầu hết, các sản phẩm siêu bền ở Việt Nam đều là hàng đặt.
To, nặng, dáng thô
Với thiết kế siêu bền nên chúng ta cũng khó có thể chê trách về sự thô kệch, nặng nề và to khủng khiếp của các sản phẩm này. Có thể trong tương lai các sản phẩm "siêu bền, siêu mỏng" sẽ xuất hiện nhưng đó là vấn đề của... thời gian. Còn bây giờ, siêu bền đồng nghĩa với siêu dày và siêu to. Nếu như một chiếc laptop bình thường có cân nặng khoảng 1 đến 3kg thì hiếm có dòng máy siêu bền nào dưới 5kg.
Hơn nữa, các sản phẩm này cũng được thiết kế với dáng khá thô (vuông góc cạnh) chứ không thể "nuột" và đẹp như các sản phẩm thông thường.
Và không nhiều ứng dụng thực tế
Tất cả những điều trên đúng nhưng không quan trọng bằng lý do cuối cùng sau đây. Đó là các sản phẩm siêu bền có ít ứng dụng và không thực sự hiệu quả, cần thiết với đa phần người dùng.
Hầu hết các sản thông thường đều có độ bền tương đối tốt. Nhưng trong tầm tiền mà người dùng có thể mua được các sản phẩm "siêu bền" thì các sản phẩm thông thường lại nổi trội hơn về khâu ứng dụng trong thực tế. Với các sản phẩm của các hãng danh tiếng, các sai lầm thông thường khi sử dụng rất ít khi khiến máy hỏng hóc nặng. Trừ khi bạn cố ý quăng quật hoặc làm rơi/đổ nước... thì mới có khả năng làm các sản phẩm này "ra đi". Nói chung, bạn không còn phải quá nâng niu chiếc laptop hay điện thoại nữa.
Đương nhiên, các sản phẩm siêu bền sẽ chống chịu tốt hơn trong các trường hợp này. Tuy nhiên, chắc chắn ít người trong chúng ta mua điện thoại hay laptop về để thử độ bền hay đập phá. Các sản phẩm siêu bền hầu như chỉ phát huy tác dụng trong trường hợp bạn phải làm việc trong các môi trường khắc nghiệt như: trong hầm mỏ, lòng núi, trên các đỉnh nói cao, ở các dàn khoan trên biển... hoặc cho các mục đích đặc biệt như quân sự chẳng hạn. Còn với nhu cầu phổ thông, việc mua các sản phẩm siêu bền là cực kỳ tốn kém và không nên.
Post A Comment:
0 comments: